Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

Khám phá Học Viện Ngoại Giao qua con mắt của một sinh viên

Trường tớ là nơi mà những người trẻ có thể khám phá ra những khả năng tiềm ẩn của mình.


Ít ai biết rằng, tớ đến với Học viện Ngoại giao hoàn toàn chỉ là một sự tình cờ. Năm lớp 12, khi mà tất cả bạn bè cùng trang lứa đã chọn cho mình một trường ĐH để hoàn thành hồ sơ đăng kí dự thi rồi thì tớ vẫn chưa xác định được đâu mới là ước mơ của mình. Tớ quyết định chọn Học viện Ngoại giao chỉ vì một lý do đơn giản là điểm đầu vào của trường phù hợp với sức học của tớ. Thế nhưng bây giờ, khi đã là một cô sinh viên năm 2, tớ nhận ra rằng, sự lựa chọn của mình là hoàn toàn đúng đắn.
Nhỏ thì đã sao?
So với các trường đại học trên địa bàn cả nước, Học viện Ngoại giao (DAV - Diplomatic Academy of Vietnam) có lẽ là một trong những trường có quy mô nhỏ nhất về cả diện tích lẫn số lượng giảng viên, sinh viên. Nếu bạn lo rằng khi vào ĐH sẽ không thể nhớ hết nổi mặt các bạn học cùng lớp dù đã học chung lớp suốt 1, 2 năm vì sinh viên quá đông, thì hãy chọn trường tớ.
Với số lượng sinh viên trong một lớp trung bình chỉ là 30, tổng số sinh viên toàn trường chỉ trên dưới 2.000 thì bạn hãy thử nghĩ xem, còn gì vui hơn khi ta không chỉ chơi thân với các bạn cùng lớp mà còn biết các bạn ở khoa khác và cả những anh chị khóa trên. Hơn nữa, diện tích trường tớ cũng tương đối nhỏ, khi mà đi bộ 5 phút có thể hết cả trường thì bạn chẳng phải lo đến việc di chuyển vất vả từ dãy nhà này đến dãy nhà kia khi đổi ca học như các trường có diện tích quá rộng.
Bên cạnh đó, số lượng giảng viên ít đôi khi cũng là một ưu điểm. Tưởng tượng thế này nhé, với mỗi môn liên quan đến chuyên ngành Kinh tế - ngành không phải thế mạnh đào tạo của DAV, thường thì bạn sẽ được học một giảng viên đến từ một trường đại học khác. Và nếu bạn có những người bạn khác đang học ở các trường ấy, như là ĐH Kinh tế Quốc dân, Đại học Ngoại thương… chẳng hạn, sẽ thật thú vị khi những câu chuyện trong mỗi lần gặp mặt của các bạn sẽ là “Này, tớ cũng học môn Kinh tế lượng cô A trường cậu đấy, cô ấy dạy hay nhỉ?”…
Một góc Học viện Ngoại giao trường tớ
Tiếng Anh: Không muốn giỏi cũng phải giỏi!
Nhắc đến những trường đại học tại Việt Nam có khả năng đào tạo ngoại ngữ hiệu quả thì sẽ là một thiếu sót lớn nếu không nhắc đến trường tớ. Số lượng giảng viên môn Tiếng Anh nói riêng và các ngoại ngữ khác nói chung ở Ngoại giao của tớ bằng tổng số giảng viên các chuyên ngành khác cộng lại. Tại trường tớ, bạn sẽ được học môn tiếng Anh trên toàn bộ giáo trình nước ngoài với cấp độ khó dần sau mỗi kì học. Nhưng đừng lo lắng quá, chương trình học trên lớp của bạn sẽ “cực kì nhẹ nhàng”, tạo cho bạn cảm giác thoải mái như đang trong một giờ giải lao vậy.
Tuy nhiên, cũng đừng vì thế mà chủ quan nhé, sau 10 buổi học trên lớp và khoảng 5 tuần ôn tập, bạn phải bước vào kì thi cuối kì “siêu căng thẳng” đấy. Với 3 kĩ năng Nghe, Đọc, Viết, bạn sẽ phải làm bài dưới tiêu chuẩn của một bài thi IELTS và kĩ năng nói là thi vấn đáp. Nếu không cố gắng học ngay từ đầu, làm sao bạn có thể vượt qua những kì thi đó “một cách an toàn” (có nghĩa là không phải thi lại) được? Và nếu không vượt qua nó, làm sao bạn tốt nghiệp để ra trường được? Tất nhiên, học dưới một môi trường áp lực như thế, bạn sẽ phải cố gắng gấp nhiều lần. Và bạn biết rồi đấy, cố gắng hết mình thì kết quả tốt đẹp sẽ đến với mình mà.
Thế nên, chẳng còn nghi ngờ gì nữa, chắc chắn rằng khi tốt nghiệp trường tớ bạn sẽ sở hữu một vốn ngoại ngữ kha khá, đủ đảm bảo cho bạn tìm một công việc có thu nhập ổn định. Đặc biệt là với những sinh viên học các ngành về ngoại giao mà không có ý định thi vào làm công chức ở Bộ, ngoại ngữ chính là chìa khóa cho các bạn tìm việc làm sau này.
Môi trường lý tưởng để phát hiện khả năng tiềm ẩn của bản thân
Bạn biết không, trường tớ có một dãy nhà học 7 tầng, một dãy nhà 5 tầng và tất cả đều không có… thang máy. Thời buổi bây giờ, nếu đi đâu bạn cũng dễ dàng bắt gặp cảnh từng đoàn người chen chúc nhau để vào được thang máy đi lại thì ở Học viện Ngoại giao, mọi chuyện hoàn toàn ngược lại. Cảnh trước và sau giờ học của trường tớ yên tĩnh hơn nhiều. Ít có ai nói chuyện trong lúc ấy vì tất cả đều tập trung sức cho việc… leo cầu thang bộ. Kết quả là sau 4 năm liên tục như thế, sức khỏe của bạn chẳng khác gì được tập thể dục hàng ngày! Xương bạn sẽ thật chắc khỏe và bạn cũng sẽ không mắc phải “căn bệnh” lười vận động.
Còn nữa, vào trường tớ, bạn sẽ tự rèn luyện cho mình một bản lĩnh thật vững vàng. Này nhé, lịch học, lịch thi, thời khóa biểu thay đổi liên tục, nếu không có một tâm lý thật sự vững, liệu bạn có kịp thích ứng với tất cả những “thử thách” ấy?
Và bạn biết Vietnam Idol 2010 Uyên Linh, Sao Mai 2007 Hà Linh, diễn viên Mai Thu Huyền, BTV Thời sự Lê Quang Minh, MC Thanh Vân, Biên Thùy, Trịnh Lê Anh... chứ? Bạn có ngạc nhiên không khi tớ bảo rằng tất cả họ đều là cựu sinh viên trường tớ. Bạn thấy rồi đấy, sau khi ra trường, đa số họ đều làm không đúng ngành đã được đào tạo. Thế thì chẳng có gì sai khi tớ bảo Học viện Ngoại giao của tớ là “môi trường lý tưởng để phát hiện khả năng tiềm ẩn của bản thân” cả. Đến với Ngoại giao, bạn sẽ phát hiện ra nhiều điều mới mẻ, ở ngay chính bản thân mình.
Những khác biệt mà chỉ Ngoại giao mới có
Bắt đầu từ năm học 2011-2012, dân Học viện Ngoại giao bọn tớ đã trở thành một trong số ít những sinh viên trên cả nước có đồng phục riêng đẹp mê ly. Tớ tin, bạn rồi cũng sẽ giống tớ, sẽ có cảm giác tự hào khi mặc trên mình bộ đồng phục mang đậm “bản sắc Ngoại giao”. Và, hãy yên tâm đi, vì trường tớ rất thoải mái trong chuyện mặc đồng phục đến trường. Thế nên, tuy rằng có đã có đồng phục nhưng bạn muốn trang phục gì đến trường thì đó lại là quyền của bạn và ngày nào mặc đồng phục cũng hoàn toàn do chính bạn quyết định.
Sinh viên trường tớ năng động trong bộ đồng phục của trường
Thêm một điều thú vị mà chỉ các DAV-ers mới có dịp trải nghiệm, đó là cơ hội được gặp và giao lưu cùng các nguyên thủ Quốc gia, Bộ trưởng và các cán bộ thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam. Gần đây nhất, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, người được mệnh danh là “Nhà ngoại giao toàn cầu”, một “diễn giả đắt giá nhất hành tinh” đã đến và giao lưu cùng các cán bộ, giảng viên và sinh viên trường tớ về những vấn đề nóng trên thế giới và của Việt Nam trong suốt gần một giờ đồng hồ.
Tony Blair trong sự chào đón nồng nhiệt của sinh viên trường tớ
Tạm kết
Khi mà đang đứng trước ngưỡng cửa ĐH - một trong những thử thách lớn của cuộc đời mình, tớ biết là bạn đang rất hoang mang. Và, nếu bạn là một trong những người trẻ năng động, nếu bạn có ước mơ trở thành một nhà Ngoại giao, nếu bạn muốn giỏi Ngoại ngữ hay muốn khám phá chính bản thân mình, Học viện Ngoại giao là một sự lựa chọn mà bạn không nên bỏ qua. Tin tớ đi!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét