Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

Những Đại học ở Mỹ 100% nhận đơn xin nhập học của học sinh

Nếu bạn đăng kí theo học những ngôi trường này thì không cần lo lắng về hồ sơ xin nhập học của mình!


Tạp chí giáo dục Mỹ US News and World Report vừa công bố kết quả khảo sát tỷ lệ trúng tuyển đầu vào tại các trường đại học, học viện Mỹ. Theo đó, trong năm học 2011 - 2012, có tới 29 trường đại học Mỹ chấp nhận 100% đơn xin nhập học của các học sinh.
Những ngôi trường này cũng là những trường đại học có chất lượng giáo dục cao chứ không hề kém cỏi.
Top 10 trường chấp nhận 100% đơn xin nhập học
Đây là một khảo sát rất đáng tin cậy được thực hiện ở khắp các trường đại học, học viện thuộc hệ thống giáo dục toàn nước Mỹ. Do đó, nếu bạn đang có ý định nộp đơn xin học vào một trường nào đó, hãy lưu tâm đến Top 10 trường dễ đỗ nhất sau đây:
Học viện Nghệ thuật ở San Francisco, bang California
Hệ thống ĐH Công Mỹ, Charles Town, Tây Virginia
ĐH Baker là trường tư, phi lợi nhuận, được thành lập ở Michigan vào năm 1911
ĐH Nông nghiệp Boston, bang Masachusetts
ĐH Chancellor, Cleveland, bang Ohio thành lập năm 1848
ĐH St. Thomas More, Fort Worth, bang Texas thành lập năm 1981
ĐH Staten Island (CSI), New York
ĐH Medgar Evers, Brooklyn, New York thành lập năm 1970
ĐH Bang Daytona, Daytona Beach, bang Florida
ĐH Fisk, Nashville, bang Tennessee

PSY đến Đại học Oxford dạy ''Gangnam Style'' cho các bạn sinh viên

Ngôi sao âm nhạc Hàn Quốc Psy vừa tới ĐH Oxford để chia sẻ câu chuyện về sự thành công và dạy sinh viên điệu nhảy tuyệt vời.

Ngày 7/11, tại CLB diễn thuyết Oxford Union của trường ĐH Oxford, ngôi sao Psy đã có bài diễn văn dài một giờ đồng hồ nói về sự thành công từ Video Gangnam Style trên Youtube. Psy nói: “Nhờ Gangnam Style, tôi đang sống trong một giấc mơ đẹp. Tới nay, video đã có lượng người xem nhiều thứ 2 trong lịch sử Youtube. Nó làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của tôi".

Psy đến Oxford trong sự chờ đón của rất nhiều người hâm mộ
Và diễn thuyết trước đông đảo sinh viên
1 giờ đồng hồ thuyết trình trước 300 sinh viên tại trường Đại học Oxford, Psy chia sẻ những câu chuyện tập nhảy trong vòng 30 ngày, những khó khăn khi học theo điệu nhảy của các con vật khác nhau, những cảnh quay khó cảnh trong toilet, trong thang máy… và chính những hy sinh đó đã mang đến thành công cho Gangnam Style.
Hào hứng dạy các SV điệu nhảy ngựa
Tiếng reo hò, cổ vũ vang lên không ngớt. Các sinh viên ưu tú của trường không ngần ngại bày tỏ mong muốn Psy đích thân dạy điệu nhảy ngựa nổi tiếng. Psy đã yêu cầu các sinh viên tập hợp xung quanh mình để dạy cho họ thói quen và những động tác của điệu nhảy. Psy giải thích thêm rằng "Hát một nửa bằng tiếng Hàn và một nửa bằng tiếng Anh như vậy có lẽ bạn sẽ hiểu được lời bài hát nhiều hơn".
Nữ sinh viên sung sướng phát khóc vì được ôm thần tượng
Sau bài diễn văn của Psy, một nữ sinh trong trường đã lên bục và đề nghị được ôm thần tượng của mình. Cả Psy và nữ sinh này đều hết sức xúc động và vui mừng. Nữ sinh đã khóc, những giọt nước mắt lăn dài xen lẫn niềm vui.
Tạo dáng xì tin
Sự kiện trường Đại học Oxford mời Psy tới diễn thuyết xuất phát từ ý tưởng của chủ tịch hiệp hội Oxford Union, nam sinh viên John Seung-yoon Lee. Sinh viên này cũng là người Hàn Quốc và cũng đến từ Gangnam giống như Psy.

Trước Psy, nhiều người nổi tiếng khác cũng từng được mời phát biểu tại đại học Oxford, trong đó có cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon, mẹ Teresa và ông hoàng nhạc pop Michael Jackson.

Khám phá Học Viện Ngoại Giao qua con mắt của một sinh viên

Trường tớ là nơi mà những người trẻ có thể khám phá ra những khả năng tiềm ẩn của mình.


Ít ai biết rằng, tớ đến với Học viện Ngoại giao hoàn toàn chỉ là một sự tình cờ. Năm lớp 12, khi mà tất cả bạn bè cùng trang lứa đã chọn cho mình một trường ĐH để hoàn thành hồ sơ đăng kí dự thi rồi thì tớ vẫn chưa xác định được đâu mới là ước mơ của mình. Tớ quyết định chọn Học viện Ngoại giao chỉ vì một lý do đơn giản là điểm đầu vào của trường phù hợp với sức học của tớ. Thế nhưng bây giờ, khi đã là một cô sinh viên năm 2, tớ nhận ra rằng, sự lựa chọn của mình là hoàn toàn đúng đắn.
Nhỏ thì đã sao?
So với các trường đại học trên địa bàn cả nước, Học viện Ngoại giao (DAV - Diplomatic Academy of Vietnam) có lẽ là một trong những trường có quy mô nhỏ nhất về cả diện tích lẫn số lượng giảng viên, sinh viên. Nếu bạn lo rằng khi vào ĐH sẽ không thể nhớ hết nổi mặt các bạn học cùng lớp dù đã học chung lớp suốt 1, 2 năm vì sinh viên quá đông, thì hãy chọn trường tớ.
Với số lượng sinh viên trong một lớp trung bình chỉ là 30, tổng số sinh viên toàn trường chỉ trên dưới 2.000 thì bạn hãy thử nghĩ xem, còn gì vui hơn khi ta không chỉ chơi thân với các bạn cùng lớp mà còn biết các bạn ở khoa khác và cả những anh chị khóa trên. Hơn nữa, diện tích trường tớ cũng tương đối nhỏ, khi mà đi bộ 5 phút có thể hết cả trường thì bạn chẳng phải lo đến việc di chuyển vất vả từ dãy nhà này đến dãy nhà kia khi đổi ca học như các trường có diện tích quá rộng.
Bên cạnh đó, số lượng giảng viên ít đôi khi cũng là một ưu điểm. Tưởng tượng thế này nhé, với mỗi môn liên quan đến chuyên ngành Kinh tế - ngành không phải thế mạnh đào tạo của DAV, thường thì bạn sẽ được học một giảng viên đến từ một trường đại học khác. Và nếu bạn có những người bạn khác đang học ở các trường ấy, như là ĐH Kinh tế Quốc dân, Đại học Ngoại thương… chẳng hạn, sẽ thật thú vị khi những câu chuyện trong mỗi lần gặp mặt của các bạn sẽ là “Này, tớ cũng học môn Kinh tế lượng cô A trường cậu đấy, cô ấy dạy hay nhỉ?”…
Một góc Học viện Ngoại giao trường tớ
Tiếng Anh: Không muốn giỏi cũng phải giỏi!
Nhắc đến những trường đại học tại Việt Nam có khả năng đào tạo ngoại ngữ hiệu quả thì sẽ là một thiếu sót lớn nếu không nhắc đến trường tớ. Số lượng giảng viên môn Tiếng Anh nói riêng và các ngoại ngữ khác nói chung ở Ngoại giao của tớ bằng tổng số giảng viên các chuyên ngành khác cộng lại. Tại trường tớ, bạn sẽ được học môn tiếng Anh trên toàn bộ giáo trình nước ngoài với cấp độ khó dần sau mỗi kì học. Nhưng đừng lo lắng quá, chương trình học trên lớp của bạn sẽ “cực kì nhẹ nhàng”, tạo cho bạn cảm giác thoải mái như đang trong một giờ giải lao vậy.
Tuy nhiên, cũng đừng vì thế mà chủ quan nhé, sau 10 buổi học trên lớp và khoảng 5 tuần ôn tập, bạn phải bước vào kì thi cuối kì “siêu căng thẳng” đấy. Với 3 kĩ năng Nghe, Đọc, Viết, bạn sẽ phải làm bài dưới tiêu chuẩn của một bài thi IELTS và kĩ năng nói là thi vấn đáp. Nếu không cố gắng học ngay từ đầu, làm sao bạn có thể vượt qua những kì thi đó “một cách an toàn” (có nghĩa là không phải thi lại) được? Và nếu không vượt qua nó, làm sao bạn tốt nghiệp để ra trường được? Tất nhiên, học dưới một môi trường áp lực như thế, bạn sẽ phải cố gắng gấp nhiều lần. Và bạn biết rồi đấy, cố gắng hết mình thì kết quả tốt đẹp sẽ đến với mình mà.
Thế nên, chẳng còn nghi ngờ gì nữa, chắc chắn rằng khi tốt nghiệp trường tớ bạn sẽ sở hữu một vốn ngoại ngữ kha khá, đủ đảm bảo cho bạn tìm một công việc có thu nhập ổn định. Đặc biệt là với những sinh viên học các ngành về ngoại giao mà không có ý định thi vào làm công chức ở Bộ, ngoại ngữ chính là chìa khóa cho các bạn tìm việc làm sau này.
Môi trường lý tưởng để phát hiện khả năng tiềm ẩn của bản thân
Bạn biết không, trường tớ có một dãy nhà học 7 tầng, một dãy nhà 5 tầng và tất cả đều không có… thang máy. Thời buổi bây giờ, nếu đi đâu bạn cũng dễ dàng bắt gặp cảnh từng đoàn người chen chúc nhau để vào được thang máy đi lại thì ở Học viện Ngoại giao, mọi chuyện hoàn toàn ngược lại. Cảnh trước và sau giờ học của trường tớ yên tĩnh hơn nhiều. Ít có ai nói chuyện trong lúc ấy vì tất cả đều tập trung sức cho việc… leo cầu thang bộ. Kết quả là sau 4 năm liên tục như thế, sức khỏe của bạn chẳng khác gì được tập thể dục hàng ngày! Xương bạn sẽ thật chắc khỏe và bạn cũng sẽ không mắc phải “căn bệnh” lười vận động.
Còn nữa, vào trường tớ, bạn sẽ tự rèn luyện cho mình một bản lĩnh thật vững vàng. Này nhé, lịch học, lịch thi, thời khóa biểu thay đổi liên tục, nếu không có một tâm lý thật sự vững, liệu bạn có kịp thích ứng với tất cả những “thử thách” ấy?
Và bạn biết Vietnam Idol 2010 Uyên Linh, Sao Mai 2007 Hà Linh, diễn viên Mai Thu Huyền, BTV Thời sự Lê Quang Minh, MC Thanh Vân, Biên Thùy, Trịnh Lê Anh... chứ? Bạn có ngạc nhiên không khi tớ bảo rằng tất cả họ đều là cựu sinh viên trường tớ. Bạn thấy rồi đấy, sau khi ra trường, đa số họ đều làm không đúng ngành đã được đào tạo. Thế thì chẳng có gì sai khi tớ bảo Học viện Ngoại giao của tớ là “môi trường lý tưởng để phát hiện khả năng tiềm ẩn của bản thân” cả. Đến với Ngoại giao, bạn sẽ phát hiện ra nhiều điều mới mẻ, ở ngay chính bản thân mình.
Những khác biệt mà chỉ Ngoại giao mới có
Bắt đầu từ năm học 2011-2012, dân Học viện Ngoại giao bọn tớ đã trở thành một trong số ít những sinh viên trên cả nước có đồng phục riêng đẹp mê ly. Tớ tin, bạn rồi cũng sẽ giống tớ, sẽ có cảm giác tự hào khi mặc trên mình bộ đồng phục mang đậm “bản sắc Ngoại giao”. Và, hãy yên tâm đi, vì trường tớ rất thoải mái trong chuyện mặc đồng phục đến trường. Thế nên, tuy rằng có đã có đồng phục nhưng bạn muốn trang phục gì đến trường thì đó lại là quyền của bạn và ngày nào mặc đồng phục cũng hoàn toàn do chính bạn quyết định.
Sinh viên trường tớ năng động trong bộ đồng phục của trường
Thêm một điều thú vị mà chỉ các DAV-ers mới có dịp trải nghiệm, đó là cơ hội được gặp và giao lưu cùng các nguyên thủ Quốc gia, Bộ trưởng và các cán bộ thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam. Gần đây nhất, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, người được mệnh danh là “Nhà ngoại giao toàn cầu”, một “diễn giả đắt giá nhất hành tinh” đã đến và giao lưu cùng các cán bộ, giảng viên và sinh viên trường tớ về những vấn đề nóng trên thế giới và của Việt Nam trong suốt gần một giờ đồng hồ.
Tony Blair trong sự chào đón nồng nhiệt của sinh viên trường tớ
Tạm kết
Khi mà đang đứng trước ngưỡng cửa ĐH - một trong những thử thách lớn của cuộc đời mình, tớ biết là bạn đang rất hoang mang. Và, nếu bạn là một trong những người trẻ năng động, nếu bạn có ước mơ trở thành một nhà Ngoại giao, nếu bạn muốn giỏi Ngoại ngữ hay muốn khám phá chính bản thân mình, Học viện Ngoại giao là một sự lựa chọn mà bạn không nên bỏ qua. Tin tớ đi!